Sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông đa phương tiện thu hoạch kiến thức tại diễn đàn “Phát thanh năng động trong môi trường số”
Chiều ngày 16/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phiên thảo luận với chủ đề “Phát thanh năng động trong môi trường số” tại khách sạn Rex, Tp.HCM. Đây là phiên thứ 8 trong 12 phiên thảo luận nhằm tọa đàm, trao đổi những vấn đề nóng của báo chí hiện nay.
Tham gia phiên thảo luận có TS Đồng Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài TNVN, ông Nguyễn Quốc Bình – Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Tp. HCM (VOH), TS Phan Văn Kiền – Viện trưởng, Viện Đào tạo Báo chí Truyền thông Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Ruby Nguyễn - Nhà sáng lập Curieous, đại diện các cơ quan báo chí truyền thông và gần 100 sinh viên, giảng viên khoa Báo chí – Truyền thông trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Đài TNVN phát biểu tại phiên thảo luận
Tại phiên 8 có hai tham luận chính gồm “Những vấn đề cần thiết của phát thanh như đặc điểm và thách thức của phát thanh trong môi trường số” của ông Phan Văn Tú – Chủ nhiệm bộ môn Báo chí, khoa Báo chí - Truyền thông trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, và “Một số gợi mở cho phát thanh trên nền tảng số tại các báo điện tử Việt Nam hiện nay” của TS Phan Văn Kiền – Viện trưởng, Viện Đào tạo Báo chí Truyền thông Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thạc sĩ Phan Văn Tú trao đổi về những các ứng dụng công nghệ đang hỗ trợ cho nhà báo phát thanh
Bàn về vấn đề nhà báo phát thanh trước yêu cầu chuyển đổi số, ông Phan Văn Tú khẳng định: Nhà báo phát thanh giờ đây không chỉ có máy ghi âm là công cụ sản xuất chính mà là thiết bị đa phương tiện. Năng lực đa phương tiện bao gồm khả năng tạo ra, biên tập và phát hành nội dung qua nhiều hình thức và kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh đến video và nội dung tương tác. Hiện nay có nhiều nền tảng hỗ trợ các dạng sản phẩm phát thanh chuyển từ hình thức podcast sang vodcast.
Các đại biểu và diễn giả tham gia phiên thảo luận thứ 8 “Phát thanh năng động trong môi trường số”
Các đại biểu, diễn giả và sinh viên tham gia lắng nghe phiên thảo luận
Việc ứng dụng AI vào phát thanh số là một trong những vấn đề được bàn luận từ nhiều góc độ. Ông Phan Văn Kiền nhấn mạnh rằng người làm phát thanh cố gắng sử dụng giọng đọc của phát thanh viên tối đa nhất có thể. Với các dạng tin tức đơn thuần có thể sử dụng AI nhưng vẫn nên hạn chế. Ngoài việc đọc lại các tin tức đơn thuần đã được sản xuất ở dạng báo in, báo điện tử, các cơ quan cũng tính tới việc tăng cường các sản phẩm âm thanh như podcast. Sức mạnh của âm thanh là podcast; quan trọng nhất, các báo, tạp chí điện tử và các nền tảng internet cần có quy hoạch trên chính giao diện của mình đối với các sản phẩm âm thanh.
TS Phan Văn Kiền nhận xét về việc sản phẩm phát thanh ứng dụng công nghệ AI trên các nền tảng báo chí điện tử
Bạn Ngô Xuân Vy - Sinh viên khóa 23 Báo chí trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II đặt ra thắc mắc: “Khi sản phẩm phát thanh đã trở nên hay và tâm tình vậy thì làm cách nào để marketing đến với công chúng. Bởi vì mục đích cuối cùng của phát thanh đó chính là cho nhiều người biết đến mình và nghe mình.”
Sinh viên Ngô Xuân Vy khóa 23 Báo chí đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm
Giải đáp câu hỏi của sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, bà Ruby Nguyễn cho rằng “Cần đảm bảo tính chặt chẽ và sáng tạo của nội dung, khi hoàn thiện thì chia nhỏ sản phẩm thành nhiều phần và đăng tải trên nhiều nền tảng khác nhau để dễ dàng tiếp cận với công chúng. Khi người nghe thấy hay nhưng lại ít quá, họ sẽ tìm tới bản đầy đủ để nghe hết. Lưu ý là những phần nhỏ này phải là một mảnh ghép đặc sắc và cuốn hút để người nghe tìm đến sản phẩm đầy đủ.”
Sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II tham gia thảo luận
Thông qua diễn đàn, sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II được trang bị những kiến thức và thông tin bổ ích, gợi mở hướng tiếp cận mới để người làm phát thanh có thể năng động tác nghiệp trong môi trường số.
TS Đồng Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II